Con ngõ 159 đường Phùng Khoang,Điêuđứngvìcắtnướcluânphiê192.168.l.l admin phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm nhà chị Phượng từng nhiều lần bị cắt nước sạch nhưng thường chỉ một ngày, không ảnh hưởng nhiều.
Từ đầu tháng 10, tình hình trầm trọng hơn khi tình trạng mất nước kéo dài. Nhiều thời điểm ba, bốn ngày liền không có nước khiến hai téc dự trữ 7 m3 của gia đình cạn kiệt. Khi được cấp nước trở lại nhưng áp lực yếu, các hộ xung quanh dùng máy hút công suất lớn khiến những nhà ở cuối nguồn chịu cảnh "khát khô".
Hết nước, chị bàn với chồng mỗi lần lái xe tải loại 1,5 tấn về huyện Phúc Thọ thu mua mía, mang theo 4-5 bình loại 20 lít để xin nước sạch. Toàn bộ xô, chậu trong nhà mang ra chứa, phục vụ việc ăn uống, vệ sinh và làm hàng trong ngày. Cuối ngày, gia đình ba người quay về Phúc Thọ xin tắm rửa, giặt nhờ quần áo.
Gần 150 hộ sống cùng ngõ 159 trong tình cảnh tương tự. Mất nước, thiếu nước sinh hoạt tại phường Trung Văn bắt đầu xảy ra từ cuối tháng 9. Một số hộ gần trục đường ống dẫn chính cho biết một số ngày vẫn có nước về nhưng yếu, càng về cuối nguồn càng ít, nhiều người cho biết mở vòi cả tiếng chưa đầy bình 20 lít.
Ngoài Phùng Khoang, hàng trăm hộ dân thuộc phường Khương Mai, Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), một số khu dân cư ở quận Hoàng Mai hay Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) cũng gặp tình trạng thiếu nước sinh hoạt từ đầu tháng 10. Riêng tại một số khu vực của huyện Hoài Đức, mất nước, nước chảy yếu kéo dài từ tháng 6 tới nay chưa được khắc phục, buộc các gia đình phải phải mua nước đóng chai hoặc đào giếng khoan, chấp nhận sử dụng nguồn nước không kiểm nghiệm an toàn.
Cách nhà chị Phượng vài trăm mét, anh Trần Quân (32 tuổi) vừa chi 9 triệu đồng tiền khoan giếng, lắp máy bơm nước công suất lớn, sau thời gian dài chao đảo vì thiếu nước.
Trước đó, để đủ nước cho cả gia đình bốn người, anh ra quy định "nước sạch phải được tái sử dụng 4 lần". Đơn cử như việc tắm giặt. Chậu nước đầu ưu tiên cho con trai mới sinh tắm, sau đến con gái lớn và hai vợ chồng dùng lại trước khi được chứa trong xô để dội nhà vệ sinh hoặc lau nhà.
Khi nước được cấp luân phiên, người đàn ông 32 tuổi nhận thêm nhiệm vụ thức đêm canh do không biết khi nào có nước về. "Cả tuần nay tôi chưa có giấc ngủ trọn vẹn bởi cách một tiếng lại ra kiểm tra đồng hồ nước. Hễ thấy kim quay sẽ gọi vợ bật máy bơm, được vài lít cũng mừng", anh Quân nói. Những ngày không có nước máy, gia đình phải sử dụng nước từ giếng khoan dù biết không an toàn vì thấy có màu lạ.
Ở ngõ 126 Phùng Khoang, vợ chồng bà Thanh Mai (65 tuổi) mắc kẹt với căn nhà 4 tầng đang cải tạo dở phải ngừng thi công do không có nước. Dự kiến của bà là khoảng hai tuần công trình sẽ xong, dọn vào ở lại được. Nhưng gần một tháng trôi qua, vật liệu xây dựng vẫn ngổn ngang trong nhà, tường chưa trát do thiếu nước trộn vữa. Nhà bà không có bể ngầm, thời gian cấp nước đa phần vào nửa đêm hoặc chiều tối khi công nhân đã nghỉ. Bà từng tính phương án mua thùng nhựa loại 100-120 lít để trữ nước nhưng không khả thi, bởi nhu cầu cho xây dựng lớn.
Không chỉ mất chỗ ở, thời gian thi công dài cũng khiến bà tốn thêm một khoản lớn do thuê thợ 600.000 đồng một người, mỗi ngày.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, tổ trưởng tổ dân phố số 4 phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, cho biết nguồn nước mà người dân sử dụng được Hợp tác xã Thống Nhất mua tại của Công ty cổ phần Viwaco và bán lại. Đại diện hợp tác xã cho biết trước đây Viwaco cấp khoảng 4.000 m3 một ngày đêm nhưng hiện còn một nửa. Nước ít khiến những hộ dân ở cuối nguồn bị thiếu. Tuy nhiên, phía Viwaco, doanh nghiệp chủ yếu cung cấp nguồn nước mặt sông Đà, chưa lên tiếng phản hồi vì sao cấp thiếu nước.
"Chúng tôi cũng đề xuất với đơn vị cung cấp nước cố gắng đảm bảo cuộc sống cho người dân, nhưng được thông báo do nguồn cung từ các nhà máy quá ít, phải cắt luân phiên để san sẻ cho các khu vực. Biết thiếu nước là bất cập nhưng chưa có hướng giải quyết", ông Minh nói.
Hơn 70 năm sinh sống tại khu tập thể Đại học Hà Nội, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), bà Ngọc Lan (75 tuổi) nói đây lần đầu chứng kiến cảnh từ người già đến trẻ nhỏ tranh nhau từng xô nước sạch, từ đầu tháng 10. Qua giai đoạn mất liên tiếp ba, bốn ngày, khu dân cư này được thông báo cắt nước luân phiên. Lịch cấp nước thường vào 2-3h sáng, trong khoảng 30-45 phút, nhưng dòng chảy yếu, không đủ cung ứng.
"Thi thoảng tôi phải chạy sang trường Đại học Hà Nội xách trộm vài xô nước cho con cháu dùng tạm. Có lần bị nhà trường phát hiện, nhắc nhở trực tiếp trên loa, xấu hổ vô cùng", người phụ nữ 75 tuổi nói.
Lịch cấp nước chuyển về đêm khiến Quỳnh Hoa (19 tuổi), sinh viên năm nhất Đại học Hà Nội, buộc thay đổi lịch sinh hoạt do chỗ trọ không có bể chứa ngầm. Nữ sinh nói thường tranh thủ học bài hoặc ngủ từ 19h đến 23h sau đó thức đợi đến 1-2h sáng lúc có nước mới bắt đầu tắm, giặt, nấu cơm. "Nếu tình trạng này kéo dài thêm vài tuần, tôi sẽ tính phương án chuyển trọ, tìm nơi có đủ điện, nước để ổn định cuộc sống", Hoa nói.
Từng chia sẻ trên VnExpress về nguyên nhân thiếu nước diện rộng, ông Lê Văn Du, Phó phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết một số địa bàn bị thiếu nước, phải cấp luân phiên, chủ yếu nằm trong phạm vi cấp nước của Nhà máy nước sạch sông Đà. Đơn vị này đang gặp khó khăn về nguồn cung. Lượng nước bị thiếu khoảng 10.000-20.000 m3 mỗi ngày.
Bên cạnh đó, nhiều dự án cấp nước chậm tiến độ, giảm khai thác nước ngầm, giá nước không thu hút nhà đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội mất nước diện rộng.
Ông Du cho rằng trước mắt bắt buộc phải điều tiết nước luân phiên tại một số địa bàn. Về lâu dài, thành phố đang đầu tư một số dự án như: Nhà máy nước sông Đà giai đoạn 2, Nhà máy nước mặt sông Hồng chuẩn bị hoàn thành, nâng công suất Nhà máy Bắc Thăng Long, nghiên cứu xây dựng giai đoạn 2 Nhà máy nước sông Đuống. Khi các dự án hoàn thành, tình trạng thiếu nước sạch trên toàn thành phố mới được khắc phục.
Trong thời gian chờ nước, gia đình bà Phượng vẫn kiên trì đi lại hơn 70 km mỗi ngày để chở 100 lít nước sạch về sử dụng. Còn vợ chồng anh Trần Quân tiếp tục bơm nước giếng khoan, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cơ bản.
"Ai cũng mong được dùng nước sạch, nhưng cùng cực quá chúng tôi mới phải sử dụng nước giếng khoan. Biết là bẩn, nhưng thà có nước bẩn mà dùng còn hơn không", người đàn ông 32 tuổi nói.
Quỳnh Nguyễn